Nội dung chính
Trả lời câu hỏi Trẻ bị viêm phế quản thở khò khè
Ba mẹ ạ, viêm phế quản là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ từ 3 tháng tới 3 tuổi. Về mặt cơ chế, khi hiện tượng viêm xảy ra trong lòng phế quản, niêm mạc phế quản sẽ phù nề, kích thích tăng tiết dịch đờm nhầy quánh, dần dần nếu không điều trị có thể ứ đọng đờm gây cản trở hô hấp, phản ứng viêm nối tiếp xuống vị trí sâu hơn ở đường hô hấp và cũng có thể làm xơ hóa vùng niêm mạc phế quản bị tổn thương ba mẹ ạ.
Do có hiện tượng xuất tiết dịch đờm làm bít tắc lòng phế quản, không khí đi qua một đoạn bị hẹp gây nên tiếng trẻ thở khò khè trong viêm phế quản là dễ hiểu. Ba mẹ hãy:
- Cho con uống nước ấm thường xuyên hơn, vừa bù dịch mà nước ấm cũng có tác dụng làm loãng đờm. Thuốc trị ho long đờm ở trẻ nhỏ cần dùng theo chỉ định của bác sĩ.
- Cho con bú thường xuyên hơn.
- Vệ sinh, hút sạch đờm dãi ở mũi miệng cho bé.
- Vỗ rung tư thế để giúp trẻ tống thoát đờm trong lòng phế quản dễ hơn.
Thở khò khè là một triệu chứng thể hiện bởi tiếng thở bất thường, êm dịu vào kì thở ra do tình trạng tắc nghẽn của đường thở nhỏ mà cụ thể là tiểu phế quản.Còn trong thực tế, ba mẹ hay nhầm lẫn thở khò khè hay tiếng sò sè với âm mũi họng (nghe cả ở thì hít vào và thở ra, do niêm mạc mũi họng tăng tiết gây hẹp tương đối đường dẫn khí ở trên); ba mẹ cần chú ý phân biệt dựa vào nghe âm thanh cả 2 và vệ sinh mũi họng thì tiếng này sẽ biến mất, ba mẹ nhé!
Khi đã nhận định trẻ thở khò khè, có thể là biểu hiện của co thắt đường dẫn khí như trong viêm tiểu phế quản, trong hen suyễn hay viêm phế quản co thắt, nếu trong những trường hợp này, việc xử trí cho thuốc khí dùng để giãn đường thở cần nhanh chóng, diễn biến khó thở suy hô hấp có thể xảy ra rất nhanh. Bởi vậy, ngoài tiếng thở khò khè việc theo dõi các dấu hiệu khác đi cùng sau đây là vô cùng cần thiết ba mẹ nha:
- Trẻ thở có nhanh không (trên 60 lần ở trẻ nhỏ hơn 2 tháng, trên 50 lần ở trẻ 2 tháng đến 12 tháng, và trên 40 lần ở trẻ 12 tháng đến 5 tuổi).
- Có dấu hiệu trẻ thở gắng sức như phập phồng cánh mũi hay rút lõm lồng ngực không.
- Có thấy trẻ tím ở môi, ở đầu ngón tay ngón chân hay da cơ thể tím dần không.
- Có nghe tiếng trẻ thở rít không.
Trường hợp phát hiện các dấu hiệu trên, cho thấy trẻ đang khó thở và cần hỗ trợ hô hấp nên ba mẹ cần đưa con vào viện ngay ba mẹ nhé.
Nguồn tham khảo: Báo sức khỏe đời sống - cơ quan ngôn luận Bộ Y Tế.
Được kiểm duyệt bởi Thạc sĩ - Bác sĩ nội trú Trần Vĩnh Phú - Chuyên ngành Nhi thần kinh và phát triển Bệnh viện đại học Y Dược Huế.
Ba Mẹ ơi, có phải Ba Mẹ đang cần tìm hiểu thêm thông tin thai kỳ và chăm sóc con nhỏ?
Ứng dụng mẹ bầu Momby với nhiều kiến thức hữu ích dành cho mẹ và bé trong thai kỳ và sau sinh, 100% được xây dựng và kiểm duyệt bởi Bác sĩ chuyên khoa. Ba Mẹ có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích tại các kênh chính thức của Momby nhé!
Ba mẹ cũng đừng quên tải ngay Momby miễn phí trên Appstore/Google Play để trải nghiệm các tính năng trợ lý tuyệt vời khác ba mẹ nhé!
Bình luận
Hãy cho Momby biết ý kiến đóng góp hoặc vấn đề mà ba mẹ cần tư vấn nha