Nội dung chính
Trả lời câu hỏi Cách dỗ trẻ hết khóc
Khóc là một hình thức trẻ dùng để giao tiếp người lớn, đặc biệt ở trẻ chưa biết nói. Tuy nhiên, ba mẹ thường rất lo lắng, lúng túng khi không biết làm cách nào giúp trẻ nín khóc. Vì thế ba mẹ có thể tham khảo những gợi ý sau của Doti nha.
Trước tiên, để dỗ trẻ khóc thì ba mẹ cần biết được trẻ khóc vì nguyên nhân gì? Nguyên nhân thông thường có thể nghĩ đến như:
- Trẻ cảm thấy đói hoặc mệt mỏi, buồn ngủ.
- Trẻ khóc khi cần được ba mẹ ôm ấp hoặc khi cảm thấy không an toàn.
- Trẻ khóc khi cần được thay tã hoặc cần được ợ hơi.
- Khi nhiệt độ không phù hợp (quá lạnh hoặc quá nóng) cũng khiến trẻ khóc.
- Trẻ khóc khi mọc răng, thường khi trẻ từ 4-7 tháng tuổi.
- Cần kiểm tra da vùng toàn thân xem trẻ có vấn đề ở da làm khó chịu hay không: VD như côn trùng đốt, đặc biệt là cơ quan sinh dục ở bé trai (đã có trường hợp thắt nghẹt dương vật ở trẻ do quấn sợi tóc lên cơ quan sinh dục).
Tuy nhiên, một vài trường hợp trẻ khóc nhiều là do các vấn đề sức khỏe như ốm sốt, đau bụng, đầy hơi hoặc đau đầu,...
Trong các nguyên nhân trên, ba mẹ có thể áp dụng các cách sau để dỗ trẻ nín như:
- Nếu trẻ khóc kèm theo nhóp nhép miệng là khi trẻ đang đói, cha mẹ có thể vỗ về cho trẻ bình tĩnh sau đó cho trẻ bú sữa hoặc ăn thức ăn của trẻ.
- Trong trường hợp trẻ ăn no mà vẫn quấy khóc, ba mẹ có thể bế bé lên cao, chụm lòng bàn tay và vỗ vào lưng để giúp trẻ ợ hơi.
- Ba mẹ cũng có thể ôm trẻ và lắc lư nhẹ nhàng, giảm bớt ánh sáng, tiếng động và hát ru để trẻ chìm vào giấc ngủ.
- Thay tã mới cho trẻ khi tã ướt hoặc bẩn khiến trẻ thấy không thoải mái.
- Kiểm tra nhiệt độ môi trường và số lượng quần áo cho trẻ đảm bảo trẻ không quá nóng hoặc quá lạnh.
- Trẻ khóc do mọc răng, cha mẹ có thể massage nhẹ nhàng vùng nướu của trẻ bằng khăn gạc mềm, cho trẻ ăn thức ăn mềm và thường xuyên làm sạch miệng cho trẻ.
Nếu trẻ khóc không dỗ trẻ nín được, khóc kéo dài kèm theo các dấu hiệu như: sốt, nôn, tiêu chảy, đi ngoài ra máu, bụng chướng hoặc trẻ mệt lả thì đây là dấu hiệu bệnh lý, thậm chí tình trạng cấp cứu, ba mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất được thăm khám điều trị.
Tuy nhiên, ba mẹ cũng cần chú ý vài điểm khi dỗ trẻ khóc:
Tuyệt đối không được dỗ trẻ bằng cách rung lắc hoặc tung trẻ vì rất dễ làm não trẻ bị tổn thương.
Khi bạn thấy bất lực khi dỗ trẻ khóc, hãy để trẻ nằm ở nơi an toàn và nhờ sự giúp đỡ từ những người xung quanh để tránh các cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến việc dỗ trẻ.
Tuy nhiên không nên có quá nhiều người xúm vào cùng dỗ trẻ sẽ làm trẻ sợ hãi hơn ba mẹ nhé.
Hi vọng những lời khuyên nhỏ trên đây sẽ hữu ích với ba mẹ trong chặng đường chăm sóc con yêu khôn lớn khỏe mạnh. Doti luôn tự hào là người bạn đồng hành cùng ba mẹ!
Nguồn tham khảo: Bệnh viện Từ Dũ
Được kiểm duyệt bởi Thạc sĩ - Bác sĩ nội trú Trần Vĩnh Phú - Chuyên ngành Nhi thần kinh và phát triển Bệnh viện đại học Y Dược Huế.
Ba Mẹ ơi, có phải Ba Mẹ đang cần tìm hiểu thêm thông tin thai kỳ và chăm sóc con nhỏ?
Ứng dụng mẹ bầu Momby với nhiều kiến thức hữu ích dành cho mẹ và bé trong thai kỳ và sau sinh, 100% được xây dựng và kiểm duyệt bởi Bác sĩ chuyên khoa. Ba Mẹ có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích tại các kênh chính thức của Momby nhé!
Ba mẹ cũng đừng quên tải ngay Momby miễn phí trên Appstore/Google Play để trải nghiệm các tính năng trợ lý tuyệt vời khác ba mẹ nhé!
Bình luận
Hãy cho Momby biết ý kiến đóng góp hoặc vấn đề mà ba mẹ cần tư vấn nha