App
 

Tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh- Cách điều trị và chăm sóc ba mẹ nên biết

Tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh- Cách điều trị và chăm sóc ba mẹ nên biết

05.01.2024 Chuyên mục Chăm sóc sau sinh

Khi hệ thống dẫn lưu nước mắt xảy ra tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần thì sẽ gây ra bệnh tắc lệ đạo ở trẻ em.


Khi hệ thống dẫn lưu nước mắt xảy ra tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần thì sẽ gây ra bệnh tắc lệ đạo ở trẻ em. Căn bệnh này khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và làm cho nước mắt không còn thoát được xuống mũi như bình thường. Dẫn đến việc trẻ sẽ có hiện tượng chảy mắt sống. Để hiểu rõ về tình trạng này, hãy cùng Momby làm rõ trong bài viết dưới đây. Nội dung được kiểm duyệt bởi Bác sĩ chuyên khoa I - Nguyễn Thanh Duy. 

hinh-anh-tac-le-dao-o-tre-so-sinh-cach-dieu-tri-va-cham-soc-ba-me-nen-biet-471-0
Tình trạng tắc tuyết lệ đạo ở trẻ sơ sinh

Tắc lệ đạo là tình trạng tắc nghẽn sự lưu thông nước mắt trong hệ thống ống nối thông giữa mắt xuống mũi. Đây là một trong những bệnh lý thường gặp và thường biểu hiện trong những ngày đầu sau sinh. Bất thường này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và có thể tự hồi phục sau một khoảng thời gian.

Nguyên nhân và dấu hiệu tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh 

Nguyên nhân:

Bệnh tắc lệ đạo có thể gặp phải ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Tuy nhiên, trẻ sinh thiếu tháng dễ mắc phải bệnh nhất, do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa có sự hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh này gồm có:

Advertisement
  • Không có hoặc hẹp điểm lệ nằm ở góc trong của mắt.

  • Do ống lệ mũi bẩm sinh.

  • Tắc lệ đạo bẩm sinh: thường gặp khoảng 50% trẻ sơ sinh. Nguyên nhân thường do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên đầu dưới của ống lệ mũi còn màng tắc, hoặc do biến dạng ống xương của ống lệ mũi.

  • Bất thường vùng xương hàm mặt cũng làm tăng khả năng mắc phải tắc lệ đạo, gặp trong hội chứng Down.

  • Polyp mũi làm tắc nghẽn đường thoát nước mắt của ống lệ mũi có thể là nguyên nhân gây tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh.

  • U: bất kỳ một khối u nào có khả năng gây chèn ép ống dẫn nước mắt đều là nguyên nhân của tắc lệ đạo.

hinh-anh-tac-le-dao-o-tre-so-sinh-cach-dieu-tri-va-cham-soc-ba-me-nen-biet-471-1
Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh

 

Biểu hiện:

  • Trẻ thường hay bị ra gỉ mắt và chảy nước mắt, hiện tượng này sẽ gia tăng khi trời lạnh, nắng hoặc gió…

  • Buổi sáng khi thức dậy trẻ thường có hành động day mắt và có nhiều gỉ vàng dính quanh mí mắt.

  • Mắt trẻ lúc nào cũng ướt như khóc do hiện tượng đọng nước mắt ở khe mi.

  • Trẻ bị đỏ da bờ mi mắt do hay day mắt và hiện tượng giả viêm kết mạc.

Ngoài ra, các biểu hiện của bệnh tắc tuyến lệ đạo có dễ nhận ra hay không còn phụ thuộc vào trẻ bị tắc ở một hay cả hai bên. Các trường hợp bị tắc ở một bên thì phải mất một thời gian mới nhận ra được và việc chữa trị sẽ trở nên khó khăn hơn so với phát hiện sớm.

Hướng dẫn cách xử trí tình trạng tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh

Hầu hết các trường hợp bị tắc lệ đạo bẩm sinh sẽ tự cải thiện được trong vòng vài tháng khi mà hệ thống thoát lưu nước mắt của bé hoàn thiện hơn. Tuy nhiên với những trường hợp không tự khỏi cần điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh thì sẽ tùy theo độ tuổi của trẻ mà có phác đồ điều trị thích hợp:

  • Đối với trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi bị tắc lệ đạo thì cần day mắt vùng túi lệ và không cần thông, vì trẻ sẽ đạt hiệu quả điều trị cao trong thời gian này. Mỗi ngày có thể vệ sinh mí bằng nước muối sinh lý nhỏ tại chỗ.

  • Đối tượng trẻ từ 3 đến 8 tháng tuổi bị tắc lệ đạo thì có thể xử trí bằng cách bơm thông lệ đạo hoặc tra thuốc, day vùng túi lệ tùy theo yêu cầu của người bệnh.

  • Trẻ sau 8 tháng tuổi bị tắc lệ đạo thì xử trí bằng cách đặt ống thông lệ đạo được khuyến khích (Nếu thông quá muộn, sau 1 năm thì tỷ lệ thành công sẽ giảm đi nhiều)

  • Với các trường hợp thông không có kết quả thì cần mổ nối thông túi lệ mũi.

Lưu ý: Trong thời gian trẻ được phát hiện có tắc lệ đạo nhưng bác sĩ chưa có chỉ định can thiệp, bố mẹ cần chú ý giữ vệ sinh mắt cho bé. Có thể dùng bông y tế thấm nước đun sôi để nguội (hoặc dùng nước muối sinh lý) nhẹ nhàng lau mắt cho bé 3-5 lần/ngày để lấy hết ghèn bám quanh mắt. Nếu phát hiện mắt bé sưng đỏ, cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa mắt để khám ngay.

hinh-anh-tac-le-dao-o-tre-so-sinh-cach-dieu-tri-va-cham-soc-ba-me-nen-biet-471-2
Hướng dẫn cách thông tuyến lệ cho trẻ

Hướng dẫn chi tiết cách mát xa mắt cho trẻ bị tắc tuyến lệ

Mát xa là liệu pháp gây áp lực nhẹ nhàng đến túi lệ và ống dẫn lệ, giúp chất lỏng lưu thông và giải phóng những đoạn bị bít tắc. Vì vậy khi thấy có dấu hiệu tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh, các mẹ có thể xử lý nhanh chóng tình trạng này bằng cách thực hiện các động tác massage cho bé như sau:

  • Đặt bé trên mặt phẳng như giường, sàn nhà… hoặc trên 2 chân mẹ.

  • Một tay đỡ đầu bé, tay kia dùng một ngón tay (ngón trỏ hoặc ngón út) hay tăm bông đặt lên hốc mắt mát xa nhẹ nhàng.

  • Đặt ngón tay hơi xiên xiên, mũi ngón tay hướng về phía đầu bé sau đó di chuyển từ góc trong của mí mắt rồi vuốt xuôi xuống phía mũi.

  • Xác định vị trí túi lệ và lệ đạo, ấn nhẹ ngón tay xuống để đẩy dịch nhầy và mủ ghèn trong túi lệ ra ngoài. Dùng bông gòn hoặc khăn thấm nước ấm để lau mắt cho bé thật sạch.

  • Nhỏ thuốc kháng sinh đã được bác sĩ kê toa (nếu có) rồi chờ khoảng 2 phút để thuốc có thời gian lan đều trong mắt.

  • Cuối cùng, đặt ngón trỏ ấn nhẹ vào vị trí cũ và miết ngón tay dọc theo cánh mũi thêm 10 lần nữa.

Các mẹ nên thực hiện mát xa cho bé mỗi lần 5 - 10 phút và từ 5 - 10 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm động tác mát xa mà không cần nhỏ thuốc khi có thời gian vui chơi cùng bé.


Nội dung được kiểm duyệt bởi:

Bác sĩ Nguyễn Thanh Duy

BS CKI. Chuyên Khoa Nhi

Founder Phòng Khám Nhi Care For Kids


Ba Mẹ ơi, có phải Ba Mẹ đang cần tìm hiểu thêm thông tin thai kỳ và chăm sóc con nhỏ?

Ứng dụng mẹ bầu Momby với nhiều kiến thức hữu ích dành cho mẹ và bé trong thai kỳ và sau sinh, 100% được xây dựng và kiểm duyệt bởi Bác sĩ chuyên khoa. Ba Mẹ có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích tại các kênh chính thức của Momby nhé!

Ba mẹ cũng đừng quên tải ngay Momby miễn phí trên Appstore/Google Play để trải nghiệm các tính năng trợ lý tuyệt vời khác ba mẹ nhé!


Advertisement

Đánh giá

Tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh- Cách điều trị và chăm sóc ba mẹ nên biết

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình luận

Hãy cho Momby biết ý kiến đóng góp hoặc vấn đề mà ba mẹ cần tư vấn nha