Nội dung chính
- Nguyên tắc 1: Bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày)
- Nguyên tắc 2: Song song quá trình ăn dặm, tiếp tục cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu đến 2 tuổi
- Nguyên tắc 3: Cho trẻ ăn từ ít đến nhiều
- Nguyên tắc 4: Ăn từ loãng đến đặc
- Nguyên tắc 5: cho trẻ ăn từ đơn giản đến đa dạng
- Nguyên tắc 6: Số lượng bữa ăn tăng dần
- Nguyên tắc 7: Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn
- Nguyên tắc 8: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến món ăn
- Nguyên tắc 9: Sử dụng những thực phẩm có vitamin và khoáng chất cho trẻ nếu cần
- Nguyên tắc 10: Khi trẻ bệnh, cần tăng nước và số cữ bú, cho trẻ ăn món trẻ thích và thức ăn ở dạng mềm. Khi trẻ hết bệnh, khuyến kích trẻ ăn bù
Ăn dặm là một chế độ ăn chuyển từ sữa mẹ hoàn toàn sang chế độ có thức ăn khác sữa mẹ. Tuy nhiên, giai đoạn ăn dặm này trẻ có thể mắc nguy cơ suy dinh dưỡng nếu ăn không đúng cách cả về chất lẫn lượng. Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra 10 nguyên tắc ăn dặm cho trẻ nhỏ.
Nội dung được cố vấn và kiểm duyệt bởi BS CKI. Lê Phạm Anh Vy - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
Nguyên tắc 1: Bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày)
Trẻ 6 tháng tuổi có cân nặng gấp đôi lúc sanh, hệ tiêu hoá trẻ 6 tháng cũng đã đủ trưởng thành giúp trẻ tiêu hoá tinh bột, chất đạm và chất béo có trong thức ăn ngoài sữa mẹ. Hệ tiết niệu cũng đã hoàn chỉnh về mặt chức năng, có thể thải trừ các chất thải sinh ra trong quá trình chuyển hoá thức ăn. Do vậy, 6 tháng là thời điểm hợp lý cho trẻ ăn dặm.
Nguyên tắc 2: Song song quá trình ăn dặm, tiếp tục cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu đến 2 tuổi
Sữa mẹ cung cấp các dưỡng chất quý dễ bị thiếu hụt trong quá trình ăn dặm như canxi. Duy trì nguồn sữa mẹ giúp trẻ nhận đủ lượng canxi theo nhu cầu.
Nguyên tắc 3: Cho trẻ ăn từ ít đến nhiều
Bữa ăn đầu tiên chỉ nên tập cho trẻ ăn lượng ít thức ăn khoảng 1 muỗng canh cho một bữa. Khi trẻ đã quen thì có thể tăng dần số lượng mỗi bữa. Tuỳ theo thể tích dạ dày, khả năng tiêu hoá hấp thu mà lượng thức ăn trong mỗi cữ tương ứng theo đó.
Nguyên tắc 4: Ăn từ loãng đến đặc
Thức ăn dặm cho trẻ phải thay đổi dần dần phù hợp với sự phát triển răng và nướu của trẻ. Ban đầu chỉ ăn thức ăn dạng lỏng, độ sệt chỉ cần sệt hơn sữa mẹ một chút, về sau cần đặc dần và có thêm hạt thức ăn, ban đầu thì băm nhuyễn, dần dần băm nhỏ và khi trẻ đủ răng thì cần thức ăn giòn và cứng hơn.
Nguyên tắc 5: cho trẻ ăn từ đơn giản đến đa dạng
Những lần tập ăn dặm đầu tiên chỉ nên dùng một loại thực phẩm như bột gạo khuấy loãng. Khi bé đã quen thì mới cho một loại thực phẩm mới vào. Trẻ cần làm quen với từng mùi vị thức ăn riêng biệt, sau đó mới cần tập cho trẻ món ăn có mùi vị hỗn hợp.
Nguyên tắc 6: Số lượng bữa ăn tăng dần
Trẻ càng lớn nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhưng thể tích dạ dày thì nhỏ. Đặc biệt thể tích thức ăn chỉ chiếm ½ thể tích dạ dày vì còn thể tích dịch vị. Vì vậy, trẻ không cần ăn nhiều một bữa mà nên chia thành nhiều bữa trong ngày để đáp ứng nhu cầu hằng ngày của trẻ.
Nguyên tắc 7: Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn
Trong giờ ăn, trẻ cần được ngồi trên bàn ăn, ba mẹ cần ngồi ăn chung, trò chuyện với trẻ về thức ăn, hướng dẫn các động tác trên bàn ăn như: cách cầm muỗng, cách nhai,...Khi trẻ ăn tốt cần động viên, khuyến khích. Ba mẹ lưu ý tuyệt đối không doạ nạt, la hét sẽ làm trẻ sợ sệt hơn khi đến bữa ăn.
Nguyên tắc 8: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến món ăn
Sau 6 tháng là giai đoạn trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do các yếu tố miễn dịch trong sữa mẹ giảm đi. Để giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường tiêu hoá, ba mẹ lưu ý cần đảm bảo trong quá trình chế biến từ khâu chọn mua nguyên liệu, quá trình nấu, bảo quản thức ăn, dụng cụ chế biến thức ăn cho trẻ
Nguyên tắc 9: Sử dụng những thực phẩm có vitamin và khoáng chất cho trẻ nếu cần
Sắt và vitamin A là những chất dễ bị thiếu hụt nhất, đặc biệt những trẻ nuôi dưỡng kém. Ba mẹ ưu tiên trong lựa chọn thực phẩm giàu sắt (như thịt đỏ, hải sản, các loại đậu đỗ,...) và vitamin A (như cà rốt, bí đỏ, trứng, gan,...) trong chế độ ăn của trẻ.
Nguyên tắc 10: Khi trẻ bệnh, cần tăng nước và số cữ bú, cho trẻ ăn món trẻ thích và thức ăn ở dạng mềm. Khi trẻ hết bệnh, khuyến kích trẻ ăn bù
Khi trẻ bệnh nhu cầu nước tăng cao, đặc biệt khi trẻ sốt. Cho nên ba mẹ cần tăng lượng nước băng cách tăng cữ bú mẹ và cho trẻ uống thêm nước, Khi trẻ phục hồi, trẻ có cảm giác thèm ăn, ba mẹ cho bé ăn nhiều hơn trong bữa ăn hoặc cho ăn thêm bữa phụ nhằm bù lại lượng thiếu khi trẻ bệnh.
Nội dung được kiểm duyệt bởi:
BSCKI. Lê Phạm Anh Vy
Quản lý Khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Quốc tế AIHTrưởng Khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) - bệnh viện quốc tế đầu tiên tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Mỹ
Ba Mẹ ơi, có phải Ba Mẹ đang cần tìm hiểu thêm thông tin thai kỳ và chăm sóc con nhỏ?
Ứng dụng mẹ bầu Momby với nhiều kiến thức hữu ích dành cho mẹ và bé trong thai kỳ và sau sinh, 100% được xây dựng và kiểm duyệt bởi Bác sĩ chuyên khoa. Ba Mẹ có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích tại các kênh chính thức của Momby nhé!
Ba mẹ cũng đừng quên tải ngay Momby miễn phí trên Appstore/Google Play để trải nghiệm các tính năng trợ lý tuyệt vời khác ba mẹ nhé!
Bình luận
Hãy cho Momby biết ý kiến đóng góp hoặc vấn đề mà ba mẹ cần tư vấn nha